Giấy mà không hẳn là giấy, tre nhưng không còn là tre, sự hóa thân diệu kỳ ấy đã tạo nên Trúc Chỉ – một nghệ thuật về giấy mang đậm dấu ấn Việt và hơi thở đương đại, đúc kết từ chất liệu tre nứa, kết hợp cùng nghề làm giấy thủ công, đã mang lại một giá trị và hình ảnh mới cho tre, cho giấy. Họa sĩ Phan Hải Bằng – người đã dành hơn 10 năm nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo Trúc Chỉ – đã có những chia sẻ với Elle Decoration những thú vị xoay quanh nghệ thuật giấy độc đáo này.
Nói về giấy, các nước trong châu Á đều có những loại giấy thủ công rất nổi tiếng như giấy Xuyến Chỉ, giấy của người Nạp Tây ở Vân Nam, giấy Sa ở Lào, giấy Dó, giấy Điệp ở Việt Nam… sự ra đời của giấy Trúc Chỉ mang nét độc đáo gì mà anh tâm đắc?
Các loại giấy thủ công trong khu vực đã hình thành và tồn tại khá lâu đời, nhưng dù hoàn hảo, tinh xảo đến đâu cũng chỉ đóng vai trò làm nền cho những thao tác, sáng tạo tiếp theo trên đó, chứ bản thân chưa thể tham gia trực tiếp vào quá trình tạo nên tác phẩm. Trúc Chỉ đưa giấy từ một chất liệu nền thuần túy trở thành một nghệ thuật, có thể đối thoại với những phương tiện kỹ thuật được thi triển trên nó, để hình thành những tác phẩm độc đáo, nhiều tầng ý nghĩa cả về thị giác lẫn nội dung chuyển tải.
Thông thường, các họa sĩ khi sáng tác sẽ mang những phong cách khác biệt thể hiện qua nét vẽ, đề tài, kỹ thuật… và dường như chất liệu sáng tác chỉ là phần nền để tôn lên nét độc đáo của tác phẩm.Với riêng anh, giấy Trúc Chỉ có vai trò thế nào trong sáng tạo nghệ thuật?
Trúc Chỉ dường như vượt khỏi vai trò chất liệu, mà là mối quan hệ gắn kết, hữu cơ với các thành tố cấu thành tác phẩm. Trúc Chỉ ra đời khi tấm giấy ướt vừa hình thành trên khung, nghệ sĩ dùng các phương thức khác nhau tác động lên bề mặt, dùng áp lực nước, đính thêm lên đó các vật thể, hình ảnh, sử dụng các kỹ thuật khác nhau thi triển ý đồ sáng tạo của mình. Khi giấy khô và được bóc ra khỏi khung, tấm Trúc Chỉ ấy đã có thể là tác phẩm độc lập, hoặc sẵn sàng tham dự vào tác phẩm bằng cách tạo nên sự đối thoại giữa cấu trúc tạo hình trong tấm giấy và các hình thức thao tác tiếp theo bên trên nó, tạo nên hiệu ứng kép, tăng sức biểu cảm của tác phẩm thêm nhiều lần.
Việc hoàn thiện Trúc Chỉ đã có những bước tiến vượt trội so với thời kỳ sơ khai, chắc hẳn quá trình đó cũng khiến anh gặp phải nhiều những thăng trầm. Anh có thể kể về một vài khó khăn mà anh thường gặp trong quá trình chế tác giấy Trúc Chỉ?
Mục đích chính của Trúc Chỉ là xây dựng một giá trị văn hóa, nghệ thuật trên cơ sở tiếp biến từ các giá trị truyền thống, kết hợp với kỹ thuật, phương tiện, tinh thần sáng tạo, cập nhật đương đại… để tạo dựng một giá trị mới với ba hiệu ứng: Thẩm mỹ, Giáo dục, và Xã hội. Do vậy ngoài khó khăn về thử nghiệm, xử lý nguyên liệu, phương tiện, nhân lực… khó khăn lớn nhất là phải đối mặt là sự dửng dưng và dè bỉu! Với tâm lý phổ biến: ngóng vọng về một giá trị nào đó khác ngoài mình mà quên đi hoặc xem nhẹ những giá trị đã có trong tay. Từ đó hình thành cách ứng xử với những gì mới: hoặc là dửng dưng, coi như không phải việc của mình, hoặc là dùng những gì đã biết để đo đếm, so sánh theo chiều hướng tiêu cực.
Hiện anh đã hài lòng với chất lượng giấy trúc chỉ hiện tại, hay còn những dấu mốc mà anh vẫn đang trên đường chinh phục?
Đặc tính của sáng tạo là dường như chẳng bao giờ hài lòng. Những cột mốc đặt ra sẽ lần lượt bị vượt qua và tôi luôn hướng tới những cột mốc mới. Cụ thể về chất lượng của Trúc Chỉ cũng là một điều khó khẳng định, bởi mỗi mục đích sáng tạo đều có những ứng biến thích nghi. Trúc Chỉ luôn sẵn sàng đứng độc lập, đồng thời rất dễ thích ứng với những nhu cầu của sáng tạo trong mọi lĩnh vực khác như hội họa, thiết kế…
Đặc tính của giấy Trúc Chỉ gồm những gì? Mỗi tờ giấy khi ra đời, đều là những bản giấy làm theo phương pháp thủ công, tính độc bản cao, vậy theo anh nên gọi Trúc Chỉ là gì?
Đặc tính nổi bật của Trúc Chỉ là sự thích ứng với mọi nhu cầu tạo tác, bởi hoàn toàn có thể làm chủ mọi biểu hiện, chất bề mặt, độ dày mỏng, mềm, dai, thô, tinh… đặc biệt là những hình ảnh tạo hình hoặc tiền tạo hình được thể hiện trên – trong đó. Mỗi tấm giấy khi ra đời đều có thể gọi là “tác phẩm”, hoặc “nghệ phẩm” một cách xứng đáng.
Chắc hẳn anh đã có rất nhiều thể nghiệm nghệ thuật trên giấy Trúc Chỉ, vậy qua những thể nghiệm đó anh rút ra được kết quả gì?
Những thể nghiệm Trúc Chỉ cho thấy rằng, loại hình nghệ thuật này hoàn toàn có thể thích hợp với những ý tưởng sáng tạo, từ nghệ thuật thị giác, nghệ thuật tạo hình cho đến nghệ thuật ứng dụng: thiết kế sản phẩm, thiết kế nội thất, thiết kế nói chung, và một đặc điểm nổi bật là với Trúc Chỉ, khoảng cách giữa nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật ứng dụng như được kéo gần lại, rất gần.
Quá trình nghiên cứu, thực nghiệm cùng Trúc Chỉ, anh đã tìm được những thú vị gì từ chất liệu tre trúc Việt?
Việt Nam có trên dưới 300 loài tre, nứa, trúc… mỗi loài sẽ cho một hiệu quả, phẩm chất khác nhau, ngay trong một cây tre cũng cho những phẩm chất xơ sợi, màu sắc khác nhau ở từng vị trí thân cây. Chẳng hạn phần gần gốc sẽ cho xơ sợi cứng thô hơn, phần ngọn xơ sợi mịn hơn nhưng kém độ bền, dai, phần thân giữa cho xơ sợi óng, dài, mềm mại… Tre gai cho xơ sợi rắn chắc, sản lượng cao, nứa cho xơ sợi mềm, dài, dai nhưng sản lượng thấp, tùy ứng dụng mà chọn nguyên liệu cho phù hợp.
Màu sắc, hoa văn… đó có phải là phần “hồn” của giấy Trúc Chỉ?
Đó chỉ là những biểu hiện của Trúc Chỉ, phần “hồn”thật sự của Trúc Chỉ chính là những năng lượng sáng tạo làm nên nó, ẩn sâu là một tinh thần Việt, một phép ứng xử với các giá trị truyền thống, trân trọng và làm mới những giá trị mà cha ông để lại.
Tính ứng dụng của giấy Trúc Chỉ trong sáng tác nghệ thuật và cả trong chế tác những sản phẩm thủ công mỹ nghệ?
Đây là tính hỗ tương qua lại giữa hai lĩnh vực trên nền tảng trúc chỉ, nơi khơi gợi cho nhà thiết kế những ý tưởng mới, và ngược lại những ý tưởng thiết kế được trực tiếp chế tác một cách chủ động ngay trên những tấm Trúc Chỉ ở giai đoạn tiền thiết kế.
Giá trị thực của giấy Trúc Chỉ, theo anh nằm ở khía cạnh nào?
Thường thì người ta hay nhầm lẫn giữa “giá trị” và “trị giá”. Trị giá càng cao thường được coi là có giá trị lớn. Nhưng giá trị thực của trúc chỉ là tính nghệ thuật, tính độc đáo, tính tiếp biến nét văn hóa truyền thống (làm mới) qua đó sẽ là những giá trị kế tiếp như kinh tế, công ăn việc làm, tính xã hội… Trúc Chỉ có thể trị giá không cao, nhưng mang giá trị lớn.
“Tôi ước mơ ngày nào đó, khi nhắc đến Huế, bên cạnh những cơm hến, áo dài, tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, người ta biết còn có Trúc Chỉ, nhắc đến Việt Nam, ngoài giấy Dó, giấy Điệp, còn có Trúc Chỉ”.
Đam mê và dấn thân cùng Trúc Chỉ, anh mong muốn ở Trúc Chỉ điều gì?
Giấy là nghệ thuật, nghề giấy cũng là một nghệ thuật. Trúc Chỉ là tinh thần hợp tác để cùng nhau xây dựng những giá trị mới bằng cách khai thác năng lượng của truyền thống, kết hợp với tư duy và tâm thức đương đại. Điều mong muốn nhất là Trúc Chỉ sẽ được đón nhận như một giá trị mới của Việt nam, của Huế, như một phép cộng thêm vào vốn văn hóa Việt và cả trong đời sống, trở thành một khái niệm thân thuộc của văn hóa Việt. Nói một cách dân dã: Tôi ước mơ ngày nào đó, khi nhắc đến Huế, bên cạnh những cơm hến, áo dài, tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, người ta biết còn có Trúc Chỉ, nhắc đến Việt nam, ngoài giấy Dó, giấy Điệp, còn có Trúc Chỉ.
Nguồn: Báo ELLE Decoration Vietnam