TTH – Trong hành trang rời Huế của Nhật hoàng và Hoàng hậu sau chuyến thăm vào mùa xuân là một món quà được làm từ nghệ thuật Trúc Chỉ. Ở đó biểu tượng Ngọ Môn được các nghệ sĩ thực hiện rất tinh tế, sắc sảo …
Thông qua các nhân viên ngoại giao, “quốc phẩm” đã được gửi tặng đến Nhật hoàng và Hoàng hậu ngay trong những ngày còn lưu lại Huế. Món quà đặc biệt này đã khiến hai vị quốc khách ấn tượng, xúc động.
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko (cầm hoa) tiến vào bên trong Ngọ Môn trong chuyến thăm Huế vào đầu tháng 3/2017. Chính Ngọ Môn cũng là biểu tượng được thể hiện trên nền nghệ thuật Trúc Chỉ để gửi tặng hai vị khách đặc biệt.
Nhật hoàng và Hoàng hậu thích thú và ấn tượng
Những ngày Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đến Huế cả thành phố rộn ràng niềm vui. Các điểm nằm trong lịch trình đến thăm của hai vị khách đặc biệt điều có sự chào đón nồng nhiệt của người dân. Đáp lại, Nhà vua và Hoàng hậu bao giờ cũng nán lại một hồi lâu, vẫy tay chào, cùng nụ cười hiền từ. Tại thời điểm mà mọi công tác từ phụ trách an ninh cho đến phục vụ hậu cần được thực hiện rất nghiêm ngặt, tại xưởng nghệ thuật Trúc Chỉ – nơi đảm nhận trọng trách thực hiện món quà ngoại giao tặng hai vị khách này trước khi rời Huế, kết thúc chuyến thăm đầy ý nghĩa, mọi người cũng hồi hộp không kém.
Họa sĩ Phan Hải Bằng, người sáng lập Dự án Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam là người được giao trọng trách chính. “Nhận lời làm sản phẩm, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì nghệ thuật Trúc Chỉ đã được đánh giá cao, nhưng lo vì nghệ thuật xứ sở hoa Anh Đào vô cùng tinh tế, làm sao tạo ra món quà để Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản hài lòng không phải chuyện giản đơn”, Hải Bằng chia sẻ. Chưa hết, trong đầu lúc đó liên tiếp những câu hỏi dồn dập, phải thể hiện biểu tượng gì trên sản phẩm đó? Kích thước bao nhiêu? Thiết kế hệ thống điện sao cho phù hợp?…
Sau khi bàn bạc với Sở Ngoại vụ – đơn vị được giao đảm trách chính trong khâu chọn quà, cuối cùng cả nhóm đi đến quyết định sẽ thực hiện tác phẩm Ngọ Môn trên nền nghệ thuật Trúc Chỉ. Tất cả phải đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, vừa thể hiện bản sắc văn hóa Cố đô Huế. Trên hết, món quà phải thể hiện được sự quý trọng của Nhân dân và chính quyền tỉnh với Nhật hoàng và Hoàng hậu.
Thật bất ngờ, món quà đặc biệt ấy thông qua các nhân viên ngoại giao khi đến tay Nhật hoàng và Hoàng hậu đã khiến hai vị quốc khách vô cùng ấn tượng và thích thú. “Đến khi gặp mặt lãnh đạo tỉnh, Nhật hoàng và Hoàng hậu đã bày tỏ sự xúc động, trân trọng và gửi cảm ơn chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế vì món quà”, ông Trần Công Phú, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh còn nguyên cảm xúc khi nhớ về “quốc phẩm” đặc biệt.
Hình ảnh Ngọ Môn trên sản phẩm Trúc Chỉ được thể hiện trong một khung hình độc lập với đường nét tinh xảo, trau chuốt tỉ mỉ
“Quốc phẩm” dành tặng quốc khách
Vì sao phải là Trúc Chỉ, và điều gì được thể hiện trên món quà ấy khiến nhiều người tò mò bởi Huế có nhiều sản phẩm khác xứng đáng để tặng. Riêng với những nghệ sĩ thực hiện sản phẩm này, đó là niềm tự hào đã góp chút công sức nhỏ bé vì sứ mệnh ngoại giao khi mà chuyến thăm này là cột mốc quan trọng đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản.
Trúc Chỉ là loại hình nghệ thuật rất mới của Huế được đánh giá rất cao bởi giá trị “tiếp biến truyền thống”, vận dụng nghề thủ công truyền thống một cách linh hoạt. Trước đó, nhờ sự tư vấn kỹ lưỡng, UBND tỉnh mới đi đến quyết định đặt món quà “Quốc phẩm” được làm từ nghệ thuật Trúc Chỉ. Khi đặt hàng với các nghệ sĩ, hai bên cũng thống nhất sẽ thể hiện biểu tượng Ngọ Môn do đây là điểm nằm trong lịch trình đến thăm của Nhật hoàng và Hoàng hậu. Nhưng để có một “Quốc phẩm” làm quà tặng là việc không hề đơn giản. Họa sĩ Phan Hải Bằng cùng cộng sự đã mất rất nhiều thời gian, công sức tìm tòi, sáng tạo.
Nguyễn Phước Nhật, họa sĩ trẻ đảm trách khâu thiết kế cho biết rất áp lực khi bắt tay thực hiện món quà đặc biệt như thế. “Món quà này phải đại diện cho giá trị văn hóa, nghệ thuật của xứ Huế gửi tặng đến hai vị quốc khách nên chúng tôi phải thực hiện rất tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng chi tiết, phải làm sao bức tranh phô diễn được kỹ thuật, đạt giá trị mỹ thuật cao nhất”, Nhật nhớ lại.
Khi thống nhất được kích thước 40cm x 50cm, thì thách thức lớn nhất nằm ở khâu tạo hình làm sao chuyển tải hình ảnh Ngọ Môn bằng kỹ thuật dùng áp lực nước kết hợp nguyên lý nghệ thuật đồ họa. Công việc này mất gần một tuần, trải qua nhiều lần hư hỏng, có khi phải làm đi làm lại và hoàn tất sau một tháng triển khai. Hình ảnh Ngọ Môn trên sản phẩm Trúc Chỉ được thể hiện trong một khung hình độc lập với đường nét tinh xảo, trau chuốt, tỉ mỉ. Dưới ánh sáng tự nhiên, các họa tiết biểu tượng Ngọ Môn được in chìm trên đó có nét nghệ thuật độc đáo, nhấn nhá vô cùng đẹp mắt. Khác với những sản phẩm Trúc Chỉ lâu nay, hiệu ứng đèn được kết nối từ nguồn điện trực tiếp thì sản phẩm dành tặng cho Nhật hoàng và Hoàng hậu được thiết kế riêng bằng pin, rất tinh tế.
Cho đến khi nghe tin Nhật hoàng và Hoàng hậu bất ngờ về món quà, cả nhóm thực hiện mới thở phào nhẹ nhõm.
“Chúng tôi thật tự hào, hạnh phúc bởi góp một phần nhỏ bé đưa hình ảnh của Huế, của đất nước Việt Nam thân thiện, mến khách đến với xứ sở hoa Anh Đào”, họa sĩ Phan Hải Bằng một lần nữa chia sẻ.
Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế