Trúc chỉ là loại hình nghệ thuật sử dụng phương pháp thủ công truyền thống để biến những tờ giấy thành tác phẩm ngay từ khi chúng ra đời.
Họa sĩ Phan Hải Bằng (người cầm ô) là giảng viên trường Đại học Nghệ thuật Huế. Năm 2011, ông cùng các cộng sự nghiên cứu thành công phương pháp làm giấy thủ công từ rơm, tre, mía, chuối, lá, cỏ… Từ vật liệu giấy đó, vị họa sĩ bắt đầu áp dụng vào việc sáng tạo nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật ứng dụng.
“Trúc chỉ được xây dựng trên nền tảng của nghề làm giấy thủ công truyền thống kết hợp với các nguyên lý của nghệ thuật tạo hình và kỹ thuật đồ họa hiện đại”, họa sĩ Bằng chia sẻ. Trúc Chỉ là sản phẩm giấy tự thân, khi rời khỏi khung làm giấy đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật.
“Chúng tôi nỗ lực làm cho giấy có thêm khả năng thoát khỏi thân phận làm nền cho các tác phẩm khác để trở thành một tác phẩm độc lập”, họa sĩ Hải Bằng chia sẻ.
Từ những nguyên liệu cây, cỏ tự nhiên, họa sĩ Bằng xử lý theo phương thức xeo giấy thủ công: rửa sạch, ngâm nước vôi trong, nghiền nhỏ nấu thành bột giấy. Sau đó, bột giấy được hòa vào bể nước rồi dùng khung xeo láng bột tạo lớp giấy nền.
Vật liệu này hoàn toàn 100% thiên nhiên nên thân thiện môi trường.
Để bắt đầu tạo nên một tác phẩm tranh Trúc Chỉ, người họa sĩ phải lên ý tưởng, sáng tạo hình ảnh trước.
Họa sĩ tạo hình mẫu đặt lên lớp giấy nền khi còn ướt. Phương thức tạo tác Trúc Chỉ dùng áp lực nước để bóc từng lớp bột giấy một theo nguyên lý đồ họa. Vòi nước có nhiệm vụ như một chiếc “bút vẽ” để họa sĩ sáng tạo những hiệu ứng dày mỏng trên tấm giấy, tương ứng với hệ thống sắc độ sáng tối khi ra ánh sáng.
“Điều này thể hiện sự sáng tạo riêng, gọi là đồ họa Trúc Chỉ”, họa sĩ Bằng giải thích.
Trúc Chỉ khai thác nhiều loại nguyên liệu xơ sợi, mỗi loại cho một biểu hiện khác nhau. Tùy vào sự sáng tạo họa sĩ mà sử dụng loại xơ sợi phù hợp, thể hiện tính thẩm mỹ phong phú.
Sự chênh lệch màu sắc của các loại bột giấy dẫn đến chênh lệch màu trên tác phẩm. Xơ tre non sau khi xử lý cho ra màu sáng, tre già thì màu sẽ vàng hơn. Họa sĩ Trúc Chỉ vận dụng, kết hợp linh hoạt các loại xơ, bột để tạo hiệu ứng sắc màu. Trong quá trình dùng áp lực nước tách từng lớp bột giấy, những xơ sợi sẽ tác động qua lại giúp bện chặt, kết dính lại với nhau hoàn toàn không dùng keo kết dính.
Hình ảnh cô gái trong tranh của tác giả Trần Thị Lệ Thìn, một cộng sự của họa sĩ Bằng đã dùng xơ rơm, bèo, tre và đặc biệt là xơ chuối để thực hiện mái tóc. Tác phẩm được làm trong khoảng ba ngày.
Nghệ thuật Trúc Chỉ mang lại hai hiệu ứng trên cùng một tác phẩm. Hiệu ứng bề mặt: ánh sáng thuận chiếu từ bên ngoài vào tranh cho thấy những chỗ dày thì sáng, đậm thì tối.
Hiệu ứng xuyên sáng: ánh sáng chiếu ngược từ bên trong ra cho thấy những chỗ dày thì tối, mỏng thì sáng hơn.
Hiện nay, dự án nghiên cứu chế tác Nghệ thuật giấy – Giấy nghệ thuật của Trúc Chỉ đã được định danh với tư cách là một chất liệu nghệ thuật với tên gọi Đồ họa Trúc Chỉ – Trucchigraphy.
Hơn 10 năm qua, họa sĩ Bằng và các cộng sự từng bước xây dựng Trúc Chỉ thành một nghệ thuật mới của người Việt.
Hiện tại, Trúc Chỉ có một không gian sáng tác với tên gọi là Vườn Trúc Chỉ ở thành phố Huế với hàng chục họa sĩ trẻ tham gia. Nhiều buổi triễn lãm, workshop được tổ chức ở trong và ngoài nước để giới thiệu nghệ thuật này đến cộng đồng.
Nguồn: VNExpress