Triển lãm Nghệ thuật thị giác: Trúc Chỉ – Điện Long An
Địa điểm: Trúc chỉ No. 3 – Bảo Tàng Cổ Vật Cung Đình Huế- 3 Lê Trực- Huế
Thời gian: từ 29-4-2016 đến 8-5-2016
Khai mạc: 7h30 ngày 29-4-2016
Tổ chức thực hiện: Bảo tàng Cổ Vật Cung Đình Huế và “Nghệ thuật TRÚC CHỈ Việt Nam” cùng phối hợp.
Mục đích- Ý nghĩa: Hưởng ứng Fesstival Huế 2016, Nghệ thuật TRÚC CHỈ Việt Nam và Bảo Tàng Cổ Vật Cung đình Huế phối hợp tổ chức triển lãm “Trúc Chỉ – Điện Long An” nhằm:
– Tôn vinh những giá trị thẩm mỹ, văn hóa, lịch sử của ngôi điện tuyệt mỹ hơn 170 năm tuổi bằng nghệ thuật thị giác và Trúc Chỉ.
– Triển lãm nhằm góp phần nhắc nhớ những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống cho công chúng, giới trẻ và du khách bằng cách đưa ra một cách trình bày mới, khác lạ với nghệ thuật Trúc Chỉ- như một phép ứng xử đúng hướng với các giá trị truyền thống.
– Tạo tính tương tác giữa không gian trong nhà và ngoài trời, như một sự liên kết giữa thiên nhiên và con người, những giá trị di sản và tính tiếp biến trong thời hiện đại.
– Triển lãm sẽ là bước khởi đầu cho dự án Triển lãm đầy đủ về Điện Long An và tinh thần vị Vua tạo dựng, sẽ được trưng bày vào ngày Di sản Văn hóa Việt nam- 23-11-2016.
Nội dung:
Hệ thống tác phẩm Trúc chỉ trong triển lãm sẽ được xây dựng trên cơ sở những biểu hiện tao hình, trang trí của Điện Long An; đồng thời những giá trị liên đới của Thiệu Trị, vị Hoàng đế mà tên tuổi đã gắn liền với điện Long An, bao gồm cả những đổi thay, thăng trầm của ngôi điện qua những bể dâu.
Hệ thống tác phẩm được trưng bày bao gồm:
– Hệ thống tuyển thơ Thần Kinh nhị Thập cảnh của Hoàng đế Thiệu Trị, gồm 18 bức thư pháp của cố Nhà thơ, Nhà thư pháp, Hòa thượng Thích Phước Thành (sưu tập của NNC Mai Khắc Ứng), và 2 bức của Nhà thơ, Nhà thư pháp Nguyễn Phước Hải Trung, được chuyển tải lên Trúc chỉ và trưng bày với hình thức nghệ thuật thị giác: các bức thư pháp sẽ được thể hiện ăn chìm vào tấm Trúc chỉ có hình ảnh tương ứng với nội dung bài thơ, được bồi trên lụa trong suốt với hình thức tranh trục, được trưng bày ngoài trời theo đồ hình tương thích với không gian, nhằm khai thác hiệu ứng ánh sáng tự nhiên, đồng thời đối thoại được với cảnh quan bên ngoài điện Long An. Đây cũng là điểm nhấn của triển lãm.
Bộ tác phẩm này sẽ gồm 3 phiên bản; một sẽ được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; một sẽ được trao tặng cho NNC Mai Khắc Ứng; một sẽ được lưu giữ tại Vườn Trúc Chỉ Huế.
– Hệ thống motif hoa văn, họa tiết trang trí đặc trưng của điện Long An được vận dụng và thể hiện bằng Trúc Chỉ để thay đổi diện mạo không gian trưng bày các hiện vật, tư liệu được trưng bày trong không gian này (các kiểu thức trưng bày này sẽ được giữ lại cho không gian trưng bày như một diện mạo mới), có sự kết hợp với ánh sáng đèn LED làm nổi bật tính đặc trưng và các hiện vật, tư liệu đang được trưng bày cũng như ngôn ngữ đặc trưng của Trúc Chỉ.
– Hệ thống hình ảnh tư liệu theo trục lịch sử được tái hiện trên nền Trúc chỉ bằng các kỹ thuật in ấn, được trưng bày phối hợp với các hiện vật một cách nhuần nhị và có tính chất tôn đẩy lần nhau.
– Không gian triển lãm cũng sẽ được tổ chức dựa trên cảm hứng từ những thăng trầm theo thời gian và lịch sử của điện Long An cũng như tính chất nhân văn, nghệ sỹ của Hoàng đế Thiệu Trị.