ngau-lien-cua-phan-hai-bang-kha-nang-thu-nhat-cua-giay-va-y-thuc-tai-sang-tao

Ngẫu liên của Phan Hải Bằng: Khả năng thứ nhất của giấy và ý thức tái sáng tạo

PGS-TS. Nguyễn Nghĩa Phương (*)Chủ nhật, 27/11/2022 | 13:51 GMT+7

Với 22 bức tranh được thực hiện trên giấy trúc chỉ, triển lãm “Ngẫu liên – trên giấy” của Phan Hải Bằng diễn ra từ ngày 16-30/11/2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật Thừa Thiên – Huế (15 Lê Lợi, thành phố Huế).

Ký hiệu, từ khóa, hình tượng “Ngẫu liên” đã gắn với Phan Hải Bằng, một nghệ sĩ thị giác khá quen thuộc với công chúng qua những sáng tạo nghệ thuật xơ sợi được gọi là “đồ họa Trúc Chỉ” (hay thuật ngữ đã quốc tế hóa Trucchigraphy). 

-3435-1669266500.jpg
Ngẫu liên – mùa trống (50x70cm)

“Ngẫu liên” đã đi liền với hầu hết tác phẩm ở đủ loại hình nghệ thuật của Phan Hải Bằng; xuất phát từ trải nghiệm biến cố cá nhân và những kết hợp, liên tưởng xuyên ngành… là hình mẫu đại diện xuyên suốt quá trình tìm kiếm phương tiện sáng tạo của riêng tác giả. Hợp thành từ hình ảnh đài sen và khuôn ngực phụ nữ, “ngẫu liên” sẵn mang một đời sống và thế giới riêng được nghệ sĩ tạo ra, nhưng cũng lại khiến anh luôn phải kiếm tìm, không ngừng khám phá, tái xác định.

Các ký hiệu thị giác của “Ngẫu liên” mang biểu tượng kép, là hiện hình của ý niệm sống – chết. Nó như hai mặt đối lập của một bản thể, là âm và dương, tự tại như những thực thể trong tự nhiên, hòa quyện với thiên nhiên, cuộc sống; vận động, quẫy đạp, tự tìm kiếm cho mình một sự tồn tại, nhằm kể lại câu chuyện viễn du của mình về sự sống, cái chết, yêu thương, thù hận, khổ đau , hạnh phúc… như chính chúng là những bản thể người. Có thể hiểu rằng, dưới một ánh sáng khác, bản thể sen và bầu ngực phụ nữ của “Ngẫu liên” đã có một ảnh tượng khác, lưỡng hợp theo cách vừa quen vừa lạ. Chúng tìm cách tồn tại và kể lại câu chuyện của chúng một cách ngẫu hứng từ chính tự tính của chúng về cuộc đời, về khổ đau hay hạnh đạt.

Phan Hải Bằng có liên duyên với giấy khá sớm, bằng triển lãm cá nhân “Vọng” từ năm 1997 với tranh màu nước trên giấy dó. Sau những năm dài lơ đãng, những cám dỗ dọc ngang trên hành trình tìm kiếm chính mình, Phan Hải Bằng đã kết lại “duyên” xưa với hành trình nghiêm túc về giấy, kiến tạo một diện mạo và phương thức khác của giấy, mang cốt cách Việt. Xuất phát từ ý thức khám phá các khả năng của giấy: giấy – nền, giấy – tác phẩm tự thân, giấy – đối thoại, Phan Hải Bằng đã cùng nghệ thuật Trúc Chỉ tìm tòi, thử nghiệm, xác lập các sắc thái mới cho nghệ thuật giấy Việt Nam đương thời. 

-9109-1669266500.jpg
Ngẫu liên – mặt trời nhỏ (37x77cm)

Về các khả năng của giấy, theo Phan Hải Bằng: 

1. Giấy – nền là khả năng cơ bản nhất của giấy; giấy làm nền cho các thao tác sáng tạo khác: in, viết, vẽ… lên trên. Các phẩm chất của giấy: dai, mềm, thấm hút, loang… được khai thác cho các thủ pháp tạo hình thích hợp.

2. Giấy – tác phẩm tự thân khả năng này là điểm đặc trưng của nghệ thuật Trúc Chỉ, dùng kỹ thuật đồ họa Trúc Chỉ/Trucchigraphy cùng với sự phong phú của các loại xơ sợi khác nhau tạo nên hệ thống sắc độ, biểu hiện bề mặt, tương tác tốt với các điều kiện thuận nghịch của ánh sáng; thoát khỏi chức năng làm nền để tự thân giấy trở thành tác phẩm độc lập.

3. Giấy – đối thoại là một khả năng đặc biệt nữa của trúc chỉ, các tín hiệu tạo hình của tác phẩm được tạo tác trên trúc chỉ trước, ứng biến và đối thoại với các tín hiệu in, viết, vẽ tiếp sau lên trên đó để tạo sự độc đáo cho tác phẩm. Tấm trúc chỉ không còn là một “nền” đơn thuần, mà đã mang sẵn thông điệp để mời gọi các hình thể vẽ, viết hay in tiếp diễn trên đó như một tổng thể duy nhất.

-7688-1669266672.jpg
Ngẫu liên – lặng yên (60x70cm)

“Ngẫu liên” của Phan Hải Bằng lần này được xuất hiện trong sự đa dạng, phong phú của đường nét và màu sắc, cùng nghệ sĩ quay trở lại với khả năng cơ bản nhất của giấy: khả năng giấy – nền; biến hóa trong 22 tác phẩm được vẽ bằng màu nước, mực… trên nền giấy dướng (làm từ vỏ cây dướng – một loại cây gần như dó). Công bố những thử nghiệm và kết quả có được qua 22 tác phẩm tại triển lãm “Ngẫu liên – trên giấy” là cách Phan Hải Bằng tái khởi đầu cho hành trình tiếp theo của cuộc phiêu lưu để khẳng định lại khả năng thứ nhất của giấy và quay về với ý thức tái sáng tạo loại giấy thủ công truyền thống của người Việt Nam. Đây cũng là tiền đề cho hành trình tiếp nối – khẳng định các khả năng còn lại của giấy thông qua ý niệm Trúc Chỉ – một sự minh định và bày tỏ các yếu tính của giấy như chính nó và như là một nghệ thuật độc lập. 

Nguồn: Báo Doanh Nhân Sài Gòn

Scroll to Top